Đối với các doanh nghiệp, vốn điều lệ đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp việc phân chia quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ giữa các cổ đông, thành viên trong công ty. Nhưng liệu góp không đủ vốn điều lệ có ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp không và doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào trước pháp luật thì hãy cùng Luật An Khang tìm hiểu ngay nhé!
Vốn điều lệ là gì? Vai trò của vốn điều lệ đối với doanh nghiệp
Vốn điều lệ: tổng giá trị tài sản khi thành lập công ty
Khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký thành lập công ty là mức vốn mà thành viên công ty cam kết góp được ghi nhận trong điều lệ của công ty.
Các tổ chức và cá nhân có thể thực hiện việc góp vốn điều lệ theo các hình thức:
- Mua và sở hữu Cổ phần hoặc Cổ phiếu của Công ty cổ phần.
- Góp vốn trực tiếp vào Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty hợp danh.
Vai trò của vốn điều lệ đối với doanh nghiệp bao gồm:
- Thể hiện trách nhiệm của các cổ đông đối với doanh nghiệp, khách hàng và đối tác thông qua việc cung cấp vật chất.
- Là cơ sở cần thiết để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
- Dùng để phân phối lợi nhuận, rủi ro và thua lỗ của doanh nghiệp giữa các cổ đông tham gia góp vốn.
- Đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp củng cố tiềm lực, mở rộng quy mô sản xuất và tiếp cận thị trường.
- Là căn cứ để xác lập tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo mục tiêu đã định.
Xem thêm: Dịch vụ doanh nghiệp trọn gói từ A-Z
Quy định chung về thời hạn góp vốn điều lệ
Công ty trách nhiệm hữu hạn
Theo khoản 2 Điều 47 và khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu/thành viên công ty phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Thời gian 90 ngày trên không bào gồm thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn và thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời gian này, chủ sở hữu/thành viên góp vốn có quyền và nghĩa vụ tương ứng với số vốn góp đã cam kết
Công ty cổ phần
Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, thời hạn thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua là 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công ty cổ phần có thể quy định trong Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần một thời hạn khác ngắn hơn thời hạn theo quy định. Đối với các cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển, nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này.
Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân
Căn cứ vào quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020, thời hạn góp vốn điều lệ của Công ty hợp danh phụ thuộc vào cam kết của các thành viên hợp danh và thành viên góp vốn mà không có quy định cụ thể về thời gian như các loại hình doanh nghiệp khác.
Đối với doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản góp vốn vào doanh nghiệp. Do đó pháp luật không quy định chủ sở hữu của loại hình doanh nghiệp này phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết trong thời gian cụ thể. Vì vậy, trong bất kỳ thời điểm nào xảy ra các tình huống phát sinh, chủ sở hữu/thành viên đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
Góp vốn không đúng thời hạn có bị phạt không?
Theo quy định tại Điều 46 của Nghị định 122/2021/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi góp không đủ vốn điều lệ trong thời hạn được quy định cụ thể. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng cho mỗi hành vi vi phạm sau đây:
- Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn mà không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn.
- Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài mức phạt tiền, các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được áp dụng tùy theo từng trường hợp vi phạm:
- Buộc thay đổi thành viên góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 của Điều này.
- Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 của Điều này.
- Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 của Điều này.
Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch và ổn định trong hoạt động doanh nghiệp, đồng thời tăng cường sự tuân thủ luật pháp và nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan đối với việc góp vốn điều lệ.
Nên đăng ký vốn điều lệ cao hay thấp?
Để đảm bảo khả năng góp vốn đúng hạn, Luật An Khang gợi ý quý khách hàng nên chọn mức vốn điều lệ phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp. Mức vốn điều lệ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ liên quan tới mức lệ phí môn bài doanh nghiệp phải đóng:
- Vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm
- Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm
Tuy nhiên, vốn điều lệ chính là sự cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp với khách hàng, đối tác. Do đó:
- Nếu vốn điều lệ thấp khó tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác trong kinh doanh và khó khăn trong vay vốn từ ngân hàng với số tiền vay vượt ngoài khả năng và vượt ngoài vốn điều lệ của doanh nghiệp;
- Nếu vốn điều lệ cao/quá cao dẫn đến nguy cơ rủi ro cao nhưng sẽ dễ dàng tạo sự tin tưởng với các khách hàng, đối tác, đặc biệt trong các hoạt động đấu thầu.
Vì thế:
- Chủ doanh nghiệp thành lập công ty lần đầu tiên, chưa có nhiều kinh điều hành và quản lý thì nên để số vốn điều lệ trên mức tối thiểu, không cần quá nhiều. Sau khi công ty có mức độ tăng trưởng ổn định có thể đăng ký tăng vốn điều lệ.
- Chủ doanh nghiệp đã có kinh mở và điều hành công ty thì có thể đăng ký số vốn điều lệ lớn để tạo dựng danh tiếng.
KẾT LUẬN
Trên đây là nội dung là công ty Luật An Khang muốn gửi tới quý khách hàng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc hay có câu hỏi pháp lý khác thì vui lòng liên hệ qua Hotline để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!